- Trang chủ
- Kiến Thức Dược Lý
MỘT SỐ CÂY THUỐC – VỊ THUỐC CÓ ĐỘC CẦN LƯU Ý
CÂY THUỐC LÁ
Hoa nhiều, tập hợp thành chùy ở ngọn. Đài có lông, tràng màu trắng hay hồng hoặc tím nhạt. Quả nang có 2 ô, có đài tồn tại bọc ở ngoài, hạt bé, nhiều, màu đen
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Hoạt chất chủ yếu cúa thuốc lá, thuốc lào là chất nicotin. Hàm lượng nicotin thay đổi từ 2 đến 10%, thuốc lào có thể chứa tới 16% nicotin.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Thuốc lá là một cây độc, nhất là những lá già, có hàm lượng nicotin cao.
Người ta đã thấy người lớn đã chết do đã dùng 15 đến 20 gam thuốc lá dưới dạng hãm để thụt. Trẻ con chỉ cần vài gam cũng dủ chết.
Nicotin là một chất độc mạnh hơn: Liều chết cho một người lớn là 0,06gam.
Thuốc lá làm tăng những bệnh tim mạch và một số dạng ung thư. Thống kê cho biết số người hút thuốc lá bị chết do ung thư phổi cao hơn là số người không hút.
Nhựa của khói thuốc lá bôi lên da chuột có thể gây ung thư da. Cho nên gần đây người ta đang tìm cách hạn chế sự độc hại của thuốc lá bằng vận động không hút thuốc lá, hoặc hút thuốc lá đã loại bớt nicotin, hay hút thuốc lá có những đầu lọc bớt nicotin.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Hiện nay thuốc lá, thuốc lào ít dùng làm thuốc đối với người. Trong nhân dân, người ta dùng thuốc lào, thuốc lá để đắp vào những nơi đứt tay chân, chảy máu để cầm máu. Còn dùng chữa rắn rết côn trùng cắn.
Dùng chữa bệnh cho gia súc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng (bảo vệ thực vật).
Đối với cây trồng người ta dùng bột vụn thuốc lá (dư phẩm của công nghiệp thuốc lá), dịch chiết thuốc lá hay dư phẩm công nghiệp thuốc lá có chứa mỗi lít từ 10 đến 20g sunfat nicotin. Khi dùng người ta pha loãng thành dung dịch chứa 1% nicotin rồi phun lên cây có sâu bọ.
Đối với súc vật người ta dùng thuốc lá thuốc lào pha nước để chữa ghẻ, chấy rận, bọ chó. Dùng dung dịch chứa 1% nicotin.
CÂY LÁ NGÓN
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Thành phần chủ yếu là chất gelmixin có độc tính rất mạnh, với liều thấp trên động vật có vú, trước khi thấy hiện tượng ức chế hô hấp
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Tác dụng độc của lá ngón không đặc hiệu trên hệ thống thần kinh, gây nên co giật và chết do ngừng hô hấp trong một trạng thái thiếu oxy rõ rệt.Nghiên cứu về mặt chống độc cho phép kết luận cơ chế tác dụng của các hoạt chất cây lá ngón chủ yếu đánh vào các men hô hấp gây sự rối loạn trong tế bào dẫn tới sự thiếu oxy nghiêm trọng gây nên các hiện tượng co giật cơ và liệt.
Phương hướng dùng các thuốc ngăn cản sự ức chế men và bảo trợ men đã dẫn tác giả tìm ra được tính chống độc của ATP. Khi dùng ATP để ngăn ngừa cũng như để điều trị ngộ độc bằng lá ngón đã giảm tỷ lệ chết của chuột nhắt xuống từ 58% còn 25% đã cứu được tất cả các thể làm thí nghiệm khi đã bị ngộ độc bằng liều chết của lá ngón.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Nhân dân Việt Nam không dùng cây ngón làm thuốc, chỉ giới thiệu ở đây để chúng ta biết mà tránh và có thể phát hiện khi bị ngộ độc.
Tại Bắc Mỹ và Trung Quốc, người ta dùng rễ chữa bệnh động kinh và giảm đau nhưng cũng rất ít dùng.
CÂY CỦ ĐẬU (Còn gọi là củ sắng, sắn nước )
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Trong rễ củ (đã bóc vỏ) có 90% nước; 2,4% tinh bột; 4,51% đường toàn bộ (biểu thị bằng glucoza); 1,46% protít; 0,39% chất vô cơ; không thấy có chất béo, không thấy có tanin, không có axìt xyanhydric. Có men peroxyđaza, amyiaza và photphataza.
Trong hạt củ đậu có 12,27% độ ẩm; 20,13% chất béo; 30,61% chất protit; 4,8% tanin; 5,85% tinh bột; 3,25% đường toàn bộ (biểu thị bằng đường glucoza). Trong hạt củ đậu có một chất độc gọi là rotenon và tephrosin.
Tỷ lệ rotenon trong hạt củ đậu khoảng từ 0,56- 1,01%. Trong lá cũng có các chất như trong hạt.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ VÀ CÔNG DỤNG
Rễ củ đậu không độc. Được dùng ăn sống hoặc xào nấu chín. Có khi người ta ép củ lấy nước bôi mặt để làm cho da dẻ mịn màng, khỏi nẻ.
Lá độc đối với cá và với loài nhai lại, nhưng không độc đối với ngựa.
Hạt độc đối với cá và sâu bọ. Tại Trung Quốc, người ta dùng nó để trị các loại sâu hại rau, rệp bông, rầy bông (một kg hạt giã nhỏ, thêm nước xà phòng và 200 lít nước).
Nhân dân ta vẫn dùng hạt củ đậu giã nhỏ trộn với dầu để chữa một số bệnh ngoài da. Tuy nhiên có độc, cần chú ý để tránh ngộ độc.
ĐƠN THUỐC DÙNG HẠT CỦ ĐẬU
Làm thuốc phun trừ rệp rau và rệp thuốc lá. Hạt củ đậu ngâm với nước một đêm, sau giã nhỏ, thêm nước với tỷ lệ 1,5% đến 2% hoăc 4% trộn đều. Phun lên những cây bông, cây rau, cây thuốc lá ở ngoài ruộng. Sau 24 giờ đến 36 giờ rệp và nhện đỏ chết hết hay gần hết (90-100%).
CÂY TỎI ĐỘC
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Tỏi độc chứa tinh bột, đường, gôm, tanin, nhựa và chất ancaloit gọi là conchixin. Tỷ lệ conchixin trong dò thay đổi tùy theo mùa, từ 0,1 đến 0,35%.
Trong hạt có vết axit galic, tanin, dầu, đường và 0,5 đến 3% conchixin.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Dùng chữa bệnh gút (thống phong) và làm thuốc thông tiểu. Nhưng cơ chế tác dụng chưa được rõ lắm.
Hiện nay, conchixin gây hạ nhiệt, tăng huyết áp, tăng nhu động một cách thái quá. Trên điểm nối thần kinh cơ (jonction neuro- musculaire), conchixin gây nghẽn biểu hiện bằng tê liệt và nêu kéo dài biểu hiện teo cơ xương.
Chỉ có tác dụng hạ nhiệt, chống dị ứng (anti- allergique) và chống bệnh gút được dùng trong điều trị.
Gần đây người ta còn nêu giả thuyết là tác dụng của conchixin là do conchixin kích thích vỏ thượng thận và do sự tiết những hocmon như cortison.
Dùng tỏi độc có thể có những hiện tượng ngộ độc như nôn mửa, đi lỏng, đau bụng: Liều chết trung bình là 0,03mg đối với kg thể trọng, 1 centigam đã gây cho người những hiện tượng ngộ độc, sự bài tiết chất độc của conchixin chậm do đó những người viêm thận hay thiểu năng thận không nên dùng
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Tỏi độc dùng dưới dạng cồn hạt 1/10 với liều 1,5g một lần, 3g trong 24 giờ; cao cồn nước với liều 0,05g một lần, 0,20g trong 24 giờ hoặc dùng conchixin với liều 2mg một lẩn, 4mg trong 24 giờ để chữa bệnh thống phong, đối với những cơn đau thường kết quả làm cho đỡ đau, đỡ sốt.
Không nên dùng lâu sợ bị ngộ độc. Khi thấy có hiện tượng ỉa lỏng thì ngừng thuốc ngay. Thường chỉ dùng trong 4-5 ngày lại nghỉ.
Thuốc độc, phải bảo quản theo chế độ thuốc độc bảng A.
CÚC TRỪ SÂU
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Hoạt chất chủ yếu là pyrethrin I, tác dụng mạnh gấp 10 lần pyrethrin II, nhưng hàm luợng lại ít, tỷ lệ 2 hoạt chất đó là 2: 3.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Bột cúc trừ sâu càng mới, bảo quản nơi khô, kín càng có tác dụng mạnh. Đựng trong bao tải, hộp giấy bột cúc trừ sầu chóng mất tác dụng.
Cúc trừ sâu được dùng để trừ sâu nho (Eudemis, Cõchylis), sâu rau, sâu của cầy ăn quả (Aphìs brassicae, Aphis piri, Aphis persicae). rệp {Euridema ornata, Tingis pin).
Còn dùng trừ muỗi, chấy rận, nhậy.
Thường dùng dưới dạng nhũ dịch: 1 phần bột hoa hay 2 phần bột thân và hoa hòa vào 8 phần nước xà phòng đen xấu, thêm một ít dầu vừng tác dụng mạnh hơn. Phun lên những cây bị sâu bọ phá hoại.
Có thể dùng dưới dạng hương trừ muỗi: Với tỷ lệ 20 phần bột hoa cúc trừ sâu, 30 phần bột thân và lá, 50 phần bột và nhựa làm hương. Phối hợp 0,1 đến 0,4% bột cúc trừ sâu.
Đơn giản nhất ta có thể pha 20g bột hoa cúc trừ sâu vào 3 lít nước, đun cho hơi nóng rồi phun lên nơi có sầu.