- Trang chủ
- Tin tức
Tìm Hiểu Về Lễ Vu Lan - Nét Đẹp Văn Hoá Truyền Thống Của Người Việt
Lễ Vu Lan xưa nay đã trở thành một ngày lễ lớn của người dân Việt Nam. Ngày lễ đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống tốt đẹp của người dân Việt.
Theo truyền thống, Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Theo dương lịch, Lễ Vu Lan 2022 sẽ vào ngày thứ 6, ngày 12 tháng 8.
Lễ Vu Lan là gì?
Lễ Vu Lan được hiểu như thế nào?
Vu Lan theo phong tục Việt Nam và Trung Hoa còn được gọi là ngày lễ báo hiếu, một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Ngày lễ này trùng với Tết Trung Nguyên của người Hàn và cùng với ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch), ngày Xá tội vong nhân theo phong tục của Á Đông.
Theo quan điểm dân gian, ngày này được xem là ngày mở cửa ngục, xá tội cho vong nhân nên dân gian có lễ cúng cô hồn cho các vong linh không có thân nhân, không nơi nương tựa. Cũng là ngày, giúp cho mọi tù nhân dưới địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh về với cảnh giới an lành.
Ngày Lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành một tín ngưỡng văn hoá tốt đẹp theo truyền thống đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta. Đây là dịp mà những người con đi xa có dịp trở về quây quần, sum vầy bên gia đình và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến đấng sinh thành, cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Vào ngày này, các gia đình thường đi chùa và làm mâm cơm chay thanh tịnh để cúng tổ tiên, mong ông bà cha mẹ nhiều đời được siêu thoát và cũng cầu chúc cho người thân trong gia đình được bình an, mạnh khỏe, may mắn.
Nguồn gốc ngày Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ
Tìm hiểu về nguồn gốc Lễ Vu Lan?
Lễ Vu Lan có nguồn gốc như thế nào? Lễ Vu Lan chính thức được hình thành từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ năm 750 - 801 sau Công Nguyên, dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn. Sau đó, được truyền từ Trung Hoa vào nước ta.
Theo kinh Vu Lan thì Lễ Vu Lan ra đời dựa vào tích Đại Đức Mục Kiền Liên (đại đệ tử của Phật Thích Ca) với tấm lòng yêu thương, hiếu thảo, ngài đã cứu được mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Tích ghi lại rằng: Khi Đại Đức Mục Kiền Liên tu luyện thành công, ngài đã dùng mắt phép để xem người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình đang đi đâu về đâu.
Khi Đại Đức Mục Kiền Liên nhìn thấy mẹ, ngài ngạc nhiên và vô cùng thương xót, không ngờ mẹ đang phải chịu sự đày đọa thành ngạ quỷ, đi lang thang khắp nơi và phải chịu cảnh đói khát.
Vì thương mẹ, Đại Đức Mục Kiền Liên liền dùng phép thần thông của mình để hoá cơm đưa xuống địa ngục giúp mẹ. Nhưng, cơm đưa xuống đều bị hóa thành lửa.
Đại Đức Mục Kiền Liên không đành lòng nhìn mẹ chịu khổ cực, ngài nhờ đến sự giúp đỡ của Phật Tổ. Phật Tổ liền bày cách đó chính là nhờ đến sức mạnh của chư tăng mười phương. Đây chính là cách duy nhất có thể cứu mẹ của ngài.
Tức vào ngày rằm tháng 7 là ngày thích hợp để thỉnh chư tăng, và sắm lễ vật để cúng dường Tam Bảo, cứu lấy phước phần cho mẹ. Phật Tổ cũng nói thêm, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ, tổ tiên thì có thể dùng cách này.
Theo lời dạy của Phật, Đại Đức Mục Kiền Liên đã làm theo và ngài đã cứu được mẹ mình thoát kiếp ngạ quỷ. Từ đó, dân gian lấy ngày rằm tháng 7 là ngày Lễ Vu Lan báo hiếu.
Ý nghĩa Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan - nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt!
Lễ Vu Lan có ý nghĩa rất sâu sắc, là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính và đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, ông bà. Ngày này trở thành ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Lễ Vu Lan còn là dịp để nuôi dưỡng ý thức giới trẻ về tinh thần đền ơn đáp nghĩa, lòng hiếu thảo của Đức Phật. Từ đó, khơi dậy con người đền ơn 4 nguồn ân đức như: tri ân cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng; tri ân thầy cô đã dạy dỗ; tri ân các anh hùng đã hi sinh xây dựng đất nước và sau đó là tri ân chính đồng loại.
Ngày lễ Vu Lan mở ra mùa hiếu hạnh, báo ân, báo hiếu. Hiếu hạnh là biểu hiện phẩm hạnh của người con. Sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ không biểu hiện nhiều ở việc cung cấp những của cải vật chất mà thể hiện nhiều ở lĩnh vực tinh thần. Bởi cha mẹ về già cần nhất là sự quan tâm, chăm sóc và tình cảm của con cái.
Vì vậy, hãy yêu thương, chăm sóc mẹ cha khi còn có thể. Điều hạnh phúc và may mắn nhất của những người con là được thấy cha mẹ khỏe mạnh mỗi ngày, được về bên cha mẹ khi mệt, khi buồn.
Ý nghĩa nghi thức bông hồng cài áo
Tháng 7 Vu Lan tại các Pháp hội hay hội đoàn thường thể hiện nghi thức Bông hồng cài ngực áo. Đây là một nghi thức rất đẹp và vô cùng ý nghĩa.
Bông hồng đỏ tượng trưng cho sự may mắn, nghĩa là dành cho những ai còn cha mẹ trên đời. Và ngược lại, bông hồng trắng dành cho những ai cha mẹ đã rời khỏi cõi trần thế.
Những người đến chùa vào ngày này thường sẽ cài lên ngực áo một bông hoa hồng. Nghi thức cài hoa hồng màu đỏ nhắc nhở những người con hãy biết trân trọng thời gian, yêu thương, báo hiếu, lễ phép với cha mẹ.
Với bông hoa trắng cài áo cũng là sự răn dạy những người con hãy luôn nhớ đến công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ và giữ gìn nếp gia phong của gia đình.
Lời kết
Nhân ngày Lễ Vu Lan báo hiếu, Biofun xin gửi lời chúc đến Quý khách, Đối tác gần xa một đại lễ Vu Lan trọn niềm vui, hạnh phúc sum vầy. Hi vọng, bài viết trên giúp Quý khách có thêm những thông tin về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu Lan. Cảm ơn Quý khách!
Bạn đọc tham khảo thêm:
[Tặng Bạn] Bộ Quà tặng Lễ Vu Lan Ý Nghĩa - Sang Trọng Nhất
Câu Chuyện Cảm Động Về Lòng Hiếu Thảo