Câu Chuyện Cảm Động Về Lòng Hiếu Thảo

 06/08/2022

1. Tôi bắt gặp hình ảnh của chú trong nhiều năm trở lại đây trên con đường quen thuộc trở về nhà, nhưng đến một hôm gần đây, tôi mới có dịp trò chuyện cùng chú. Điều khiến tôi luôn trăn trở về chú không phải là những khó khăn tôi được chứng kiến mà chính là lòng hiếu thảo.
 

Lòng hiếu thảo của một người đàn ông nghèo khó, không được lành lặn ấy đẹp đến vô cùng. Lòng hiếu thảo của chú khiến tôi động lòng suy nghĩ!
 

Chiều hôm đó, tan làm sớm, tôi có dịp đi theo xe chú suốt một quãng đường dài. Hình ảnh người đàn ông có vẻ ngoài lam lũ, nghèo khổ đi chân trần trên chiếc xe 3 bánh đã cũ, phía sau đèo một người mẹ già yếu, mái tóc bạc được búi lại gọn gàng nhưng vẫn lộ ra vẻ vụng về của người đàn ông chăm mẹ. 
 

Người đàn ông đó chở mẹ đi vòng quanh khu phố, khiến nhiều người nhìn vào phải động lòng trắc ẩn nên chú thường được mọi người xung quanh cho miếng bánh, đồ ăn…
 

Ban đầu, tôi không hiểu và đã nghĩ rằng chú chở mẹ đi để xin chút đồ ăn. Nhưng không phải, cứ qua mỗi khu phố có những toà nhà cao tầng hay đơn giản là một nhành hoa bên đường đang vào mùa nở rộ, chú lại dừng lại hoặc đi thật chậm để chỉ cho mẹ ngắm. Người mẹ già run rẩy, thường gật gù rồi miệng mỉm cười nhìn con, lúc này chắc lòng mẹ vui lắm!
 

Khi chú dừng lại lấy miếng bánh được một chị vừa cho, chú đã gói ghém cẩn thận và mở ra đưa cho mẹ, tôi mới đến hỏi chuyện. Thì ra chú không được khoẻ mạnh, chú không nhớ được hoàn cảnh của mình, không nhớ được hết các thông tin, những mẩu chuyện của chú kể đều được chắp vá và rời rạc…
 

Tôi thấy chú thường nhắc về người mẹ già yếu của mình, bà hay đau yếu, bà thích ăn kẹo ngọt và bánh socola… trong tâm tưởng nhớ nhớ, quên quên của người đàn ông kham khổ này: mẹ chính là nguồn động lực, nguồn sống để chú vượt qua cuộc đời đầy trắc trở này.
 

2. Khi tôi trò chuyện cùng chú và hình dung về câu chuyện mình sắp viết. Tôi băn khoăn và nghĩ mình sẽ không viết nhiều về bệnh tật hay sự nghèo khó. Vì hơn cả hai thứ đó, Lòng Hiếu Thảo của chú đủ để tất cả chúng ta nhìn vào, soi xét và suy ngẫm về bản thân mình.
 

Đã bao giờ chúng ta bớt chút thời gian để chở cha mẹ đi ngắm phố phường để cha mẹ thấy được những thay đổi của đường phố, những công trình mới xây dựng… Những điều vô cùng giản dị nhưng cũng chưa từng được thực hiện.
 

Đã bao giờ chúng ta đủ thời gian để nghĩ đến niềm vui, sở thích của cha mẹ khi về già? Hay đôi lúc chúng ta coi những sở thích của mẹ là cổ hủ, là sự phiền hà?
 

3. Qua câu chuyện của chú, giúp tôi hiểu được rằng: lòng hiếu thảo không phải là những gì quá to tát, không phải chúng ta cứ lao đi kiếm thật nhiều tiền và mua sắm những món đồ vật chất xa xỉ mà đôi khi cha mẹ không cần dùng đến. Cha mẹ giản dị và chân thật lắm, nhiều khi chỉ cần được thấy con cái trở về đông đủ, sum vầy, dắt cha mẹ đi dạo, chia sẻ những câu chuyện hàng ngày. Vậy là cha mẹ đã hạnh phúc rồi.
 

Lòng hiếu thảo xuất phát từ nhiều điều bình dị và thân thuộc nhất. Chúng ta hãy bày tỏ lòng hiếu thảo của mình bằng những cử chỉ, hành động đúng mực, quan tâm đến sức khoẻ của cha mẹ. Bởi, còn cha, còn mẹ là điều hạnh phúc và may mắn nhất trong cuộc đời này.
 

Trở lại câu chuyện của chú, người đàn ông kham khổ, khi được hỏi tại sao chú không để mẹ ở nhà mà lại chở mẹ theo. Chú nói rằng, mẹ chú đã hơn 80 tuổi rồi, đau yếu, chú không yên tâm, đi đâu làm gì chú cũng muốn nhìn thấy mẹ.
 

Với người con hiếu thảo như chú, hôm nào được người ta cho quà bánh, đồ ăn thì vui hơn; còn không, mỗi ngày chú cần mẫn nhặt từng vỏ chai trên đường, đống rác chất đầy trên chiếc xe 3 bánh đã cũ mòn. Chú nhặt nhạnh, tích góp để thêm tiền mua rau, mua gạo. Nhưng điều khiến chú vui nhất và an lòng nhất là lúc nào cũng được chăm mẹ, được thấy mẹ và được ở bên mẹ mỗi ngày.